Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên đứng thứ 3 cả nước về giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP

Với nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, lĩnh vực kinh tế số của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2024, tổng doanh thu kinh tế số của tỉnh đạt trên 711 nghìn tỷ đồng. Thái Nguyên hiện thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP, giai đoạn 2020 - 2024, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trao tặng hộ kinh doanh số tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên tên miền quốc gia Biz.vn với các dịch vụ số

Để đạt kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng Tiktok, Shopee, kỹ năng Livestream bán hàng… cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tham gia đào tạo, tập huấn và chuyển giao kỹ năng vận hành “Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên” trên Shopee

Hiện, toàn tỉnh có 936/936 (đạt tỷ lệ 100%) doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, có 30 chi nhánh ngân hàng thương mại, 106 phòng giao dịch, 287 ATM, 4.073 thiết bị POS và 3.651 đơn vị chấp nhận thẻ được phân bổ rộng khắp các huyện, thành  phố. Tổng số tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và tổ chức là trên 1,8 triệu tài khoản. Ngoài ra có trên 513 nghìn khách hàng với 9.300 điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán Mobile Money; 107 chợ thanh toán không dùng tiền mặt (chợ 4.0).

Toàn tỉnh hiện có 107 chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Toàn tỉnh đã có 181 website bán hàng đăng ký với Bộ Công Thương; duy trì, phát triển Sàn thương mại điện tử của tỉnh với trên 3.000 sản phẩm của cả nước đăng ký trên sàn, trong đó khoảng 2.500 sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên; cập nhật, sử dụng phần mềm Quản lý chất lượng nông sản Thái Nguyên; lũy kế đến nay, phần mềm có 433 tài khoản đăng ký sử dụng, 7.068 cơ sở cập nhật, theo dõi, quản lý, 185 vùng sản xuất với tổng diện tích trên 1.325 ha, tạo lập 65 sổ nhật ký sản xuất, cập nhật thông tin của 65 sản phẩm…

Đặc biệt, với việc thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, diện tích trên 197 ha, sẽ là tiền đề thu hút đầu tư, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh đi đầu của cả nước về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và điện tử…

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn