Truy cập nội dung luôn

Liên đoàn lao động tỉnh

 

CƠ CẤU TỔ CHỨC

+ Cơ quan liên đoàn lao động tỉnh:

            - Văn phòng

- Ban tài chính

- Ủy ban kiểm tra

- Ban Tổ chức

- Ban Nữ công

- Ban chính sách - pháp luật

- Ban Tuyên giáo

+ Các đơn vị trực thuộc

- Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên

- Công ty cổ phần khách sạn du lịch công đoàn Hồ Núi Cốc

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Hiến pháp nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992) chương I. Điều 10 đã ghi rõ: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động. Cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động khác, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 

Luật Công đoàn đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua (tại kỳ họp thứ 7 khoá VIII ngày 30/6/1990) đã khẳng định: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động”. 

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia với Nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế, chủ trương – chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền tham dự hội nghị Hội đồng Bộ trưởng. Chủ tịch Công đoàn các cấp được dự hội nghị của cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức hữu quan khi bàn những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

Công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền Hiến pháp và pháp luật, giáo dục người lao động ý thức chấp hành và tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, tích cực xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tài sản XHCN, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Công đoàn cơ sở cùng với cơ quan, đơn vị, tổ chức bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của tập thể lao động theo quy định của pháp luật.

Công đoàn cùng với cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế quốc doanh, đơn vị sự nghiệp và hợp tác xã tổ chức phong trào thi đua XHCN, phát huy mọi tiềm năng của người lao động thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. 
                                 (Trích: Điều 4 - Luật Công đoàn Việt Nam 1990)

CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN 
CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH, THÀNH PHỐ

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố được tổ chức theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với các quy định của Luật Công đoàn.

Đối tượng tập hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố gồm đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn.

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo trực tiếp các Liên đoàn Lao động  huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố), Công đoàn Các Khu công nghiệp và các công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn trực thuộc (kể cả công đoàn cơ sở các đơn vị của trung ương không có công đoàn ngành trung ương hoặc công đoàn tổng Công ty).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố:

Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn.

Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh, thành phố; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước. Tham gia với cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước tỉnh, thành phố về các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của CNVCLĐ trên địa bàn. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội của  CNVCLĐ trên địa bàn.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, Công đoàn ngành Trung ương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện  pháp luật và các chính sách có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ trong các cơ quan, doanh nghiệp; tham gia hội đồng trọng tài lao động ở địa phương, hướng dẫn và chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng người lao động trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Chỉ đạo các công đoàn ngành địa phương, Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn Các Khu công nghiệp, công đoàn tổng công ty (thuộc tỉnh, thành phố) và cấp tương đương thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 25, 26, 27 và 28, Điều lệ này.

Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở của Công đoàn Tổng Công ty thuộc Trung ương và các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố những nội dung sau đây:

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước ở địa phương kiểm tra, thanh tra lao động; điều tra các vụ tai nạn lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động; đại diện bảo vệ người lao động trước người sử dụng lao động, cơ quan Nhà nước và trong quá trình tham gia tố tụng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.

Tổ chức giáo dục nâng cao trình độ văn hoá và nghề nghiệp cho  CNVCLĐ,  tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, quản lý nhà văn hoá công nhân, công đoàn; tổ chức các trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở tư vấn pháp luật theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ được phân cấp quản lý.

Hướng dẫn, chỉ đạo đại hội các công đoàn cấp dưới; xây dựng công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn vững mạnh.

Thực hiện quan hệ đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 
                          (Trích: Điều 32 -  Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2008)

BÁO CÁO

 Kết quả hoạt động Công đoàn tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm 2010 

và phương hướng nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm 2010.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn tỉnh Thái Nguyên và Chương trình công tác của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh, 6 tháng đầu năm 2010 các cấp Công đoàn trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác đề ra, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Những kết quả đạt được như sau:

PHẦN THỨ NHẤT 

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2010

I. TÌNH HÌNH CHUNG.

1- Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2010.

Trong 6 tháng đầu năm 2010, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển khá so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn có những khó khăn do giá cả đầu vào của một số mặt hàng thường xuyên biến động như: sắt thép, xăng dầu, vật liệu xây dựng… Cùng với đó là dịch lợn tai xanh đang bùng phát trở lại tại Thái Nguyên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới bà con nông dân.  Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, sự điều hành của UBND các cấp, nên hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp; lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều tiến bộ; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

2. Tình hình Công nhân viên chức lao động.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 10,8 vạn CNVCLĐ trong đó CNVCLĐ làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khoảng 7,1 vạn người. số lao động có việc làm không thường xuyên là 357 người (giảm 545 người so với cuối năm 2009); số lao động nghỉ chờ việc dài ngày: 186 người (giảm  335 người so với cuối năm 2009). Nhìn chung, tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của CNVCLĐ trên địa bàn ổn định, so với cuối năm 2009 không có biến động gì lớn, số lao động không có việc làm thường xuyên, nghỉ việc dài ngày giảm. Thu nhập bình quân của CNVCLĐ trên địa bàn đạt 1.923.000đ/người/tháng (cuối năm 2009 là 1.848.000đ/người/tháng), đơn vị có thu nhập cao nhất là Điện lực Thái Nguyên: 6.013.000đ/người/tháng, đơn vị có thu nhập thấp nhất là Công ty Chè Phú Lương: 500.000đ/người/tháng.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song CNVCLĐ luôn tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khắc phục khó khăn, yên tâm lao động, công tác, tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT - XH của tỉnh những tháng đầu năm.                                                                                                                                                                                                                                               

II. HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN.

1. Công tác tham gia quản lý, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và các hoạt động xã hội.

LĐLĐ tỉnh và UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị liên tịch đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2009 và thống nhất nội dung hoạt động năm 2010. Tại hội nghị, những đề xuất, kiến nghị của LĐLĐ tỉnh đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các ngành chức năng liên quan phối hợp giải quyết. Phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp giai đoạn 2005-2010.

Chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp  chủ động phối hợp với Thủ trưởng, chuyên  môn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Đại hội Công nhân viên chức, hội nghị người lao động. Kết quả đã có 93% các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tổ chức Hội nghị CBCC, Đại hội CNVC, hội nghị người lao động. Trong số , các cơ quan Hành chính sự nghiệp và các Doanh  nghiệp Trung ương có tỷ lệ tổ chức Hội nghị đạt được ở mức cao (100%)

Công tác vay vốn giải quyết việc làm tiếp tục được phát huy có hiệu quả, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn triển khai cho vay vốn quốc gia giải quyết việc làm thông qua phát triển kinh tế gia đình. Với tổng số  tiền đang quản lý là 4.306 triệu đồng từ các nguồn quỹ, trong 5 tháng đầu năm LĐLĐ tỉnh đã cho vay 14 dự án để phát triển kinh tế gia đình, hầu hết các dự án vay đều đạt hiệu quả, mang lại thu nhập cho các hộ gia đình từ 150.000đ đến 1.000.000 đồng/hộ/tháng

Chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp tổ chức tốt việc chăm lo chế độ tiền lương, thưởng cho CNVCLĐ trong các dịp ngày lễ, tết. Nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp công đoàn trong tỉnh  trao tặng  4.474 xuất quà cho CNVCLĐ; thăm và tặng quà cho 24 doanh nghiệp, đơn vị với tổng số tiền 1.139 triệu đồng. Các cấp công đoàn đã xây dựng Quỹ trợ giúp tại cơ sở sở tổng số tiền 5,6 tỷ đồng, trợ giúp trên 800 lượt người. LĐLĐ tỉnh hỗ trợ xây dựng 10 nhà Mái ấm Công đoàn cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ, các cấp Công đoàn đã tổ chức 307 lớp tập huấn tuyên truyền về pháp luật, chế độ chính sách cho trên 18.138 lượt CNVCLĐ. LĐLĐ tỉnh phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp” cho 30 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đông CNVCLĐ trên địa bàn.

Hưởng ứng các hoạt động nhân Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ XII năm 2010 tổ chức tại Thái Nguyên. LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi năm 2010, tại cấp CĐCS đã có 60.000 bài thi viết, Hội thi cấp tỉnh được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, có 16 đội tham gia được chia làm 2 vòng, kết quả: CĐ ngành Xây dựng đạt giải nhất; CĐ ngành Y tế và CĐ Cty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đạt giải nhì; Công đoàn công ty Nhiệt điện Cao Ngạn và LĐLĐ huyện Đồng Hỷ đạt giải 3. Các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng như: tập huấn nghiệp vụ, bổ sung các biển báo, biển cấm tại nơi nguy hiểm, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải…, thăm hỏi 250 gia đình CNVCLĐ trên địa tỉnh bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ tại 30 doanh nghiệp. Phối hợp tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”.

Theo số liệu thống kê của LĐLĐ tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra 83 vụ tai nạn lao động, trong đó có 7 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 7 người. LĐLĐ tỉnh đã tham gia điều tra TNLĐ và bảo vệ quyền, lợi  ích hợp pháp chính đáng cho người lao động;  Số người tham gia bảo hiểm được hưởng chế độ tai nạn lao động là 58 người, với tổng số tiền được chi trả trên 127 triệu đồng, người sử dụng lao động chi trả theo Thông tư số 10/2003/BLĐTBXH trên 500 triệu đồng. Yêu cầu Thanh tra lao động xử lý theo Nghị định 113/NĐ-CP với 7 cá nhân, với tổng số tiền trên 10 triệu đồng, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 02 cá nhân là người sử dụng lao động, quản lý Doanh nghiệp.

Duy trì lịch tiếp CNVCLĐ đến tư vấn pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo của CNVCLĐ, trong 6 tháng đầu năm đã tư vấn cho 287 lượt người và 15 doanh nghiệp về các vấn đề như: Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật bảo hiểm xã hội, đất đai, hôn nhân v.v. LĐLĐ tỉnh đã tiếp nhận 20 đơn thư khiếu nại tố cáo trong đó 01 đơn thư tố cáo nặc danh, 06 đơn về thực hiện pháp luật lao động, 09 đơn về xét tuyển công chức, những đơn thuộc thẩm quyền đã được Liên đoàn lao động tỉnh giải quyết đúng thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

2. Công tác tuyên truyền, giáo dục.

Các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền trong CNVCLĐ các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và tổ chức công đoàn, tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII, Đại hội  Đảng toàn quốc lần thứ XI; Đặc biệt tập trung tuyên truyền các ngày lễ lớn của Đất nước như 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30/4),  Ngày Quốc tế lao động (1/5), kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Đã có nhiều hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, lịch sử gắn với  các hoạt động  văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi ở các cấp, các ngành, tiêu biểu ở một số đơn vị như: LĐLĐ Thành phố tổ chức Liên hoan nghệ thuật các cơ quan văn hoá và Giải cầu lông trong CNVCLĐ Thành phố; Công đoàn Công ty CP Gang thép Thái Nguyên với “Giao lưu giờ thứ 9”; LĐLĐ huyện Đại Từ, CĐ Công ty TNHH 1 TV Kim Loại màu; CĐ ngành thuế, CĐ ngành Giao thông vận tải tổ chức giải thể thao…; Tại cấp tỉnh đã tổ chức Giải cầu lông - bóng bàn trong CNVCLĐ năm 2010 với sự tham gia của 344 vận động viên đến từ các cấp Công đoàn trong tỉnh.

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được duy trì thường xuyên như: Tiếp tục phát hành Bản tin "Lao động & Công đoàn Thái Nguyên", phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện các phóng sự cung cấp cho chuyên mục truyền hình "Lao động & Công đoàn" phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh hàng tháng. Phát triển, mở rộng trang Website của LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên để kịp thời phản ánh các hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ, giải đáp và tuyên truyền về chế độ chính sách pháp luật cho đông đảo CNVCLĐ. Nhằm đưa tờ Báo lao động tới các CĐCS, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 50% kinh phí mua Báo lao động đối với các đơn vị trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong CNVCLĐ, tổ chức học tập chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” gắn với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Tuyên truyền thực hiện công tác phòng, chống  ma tuý, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và công tác giữ gìn trật tự An toàn giao thông trong CNVCLĐ.

3. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

Ngay từ  những tháng đầu năm, các cấp Công đoàn đã phát động các phong trào thi đua yêu nước chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước cũng như các sự kiện chính trị của tỉnh. Trên cơ sở các nội dung của 5 phong trào thi đua do Đại hội XIV Công đoàn tỉnh Thái Nguyên phát động, các cấp Công đoàn đã xây dựng các chương trình nội dung cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương, đơn vị.

Tại cấp tỉnh, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh  tổ chức Lễ trao cúp vàng, tôn vinh 63 doanh nghiệp xuất sắc và 10 doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ II; Tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 và tôn vinh 111 CNVCLĐ tiêu biểu. Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật do UBND tỉnh phát động, đến nay đã có nhiều đơn vị gửi đề tài tham gia.

Cụ thể hóa phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tại cơ sở đã có nhiều đơn vị tổ chức thi đua với nhiều nội dung phong phú và thiết thực như: CĐ ngành Giáo dục với cuộc vận động “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; Công đoàn Viên chức tỉnh với phong trào xây dựng người CBCC “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, Công đoàn ngành Y tế  với cuộc vận động “ Thực hiện 12 điều y đức”, Công đoàn Công CP Gang thép TN với Hội thi “Chọn lao động giỏi lần thứ 41”; CĐ Công ty CP Đầu tư & Sản xuẫt công nghiệp với phong trào “Năng suất - Chất lượng”, CĐ ngành Công thương tổ chức cuộc thi viết về tấm gương sáng ngành Công thương và thi tìm hiểu về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp… vv

Phong trào “Học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ” tiếp tục được quan tâm, các cấp công đoàn đã chủ động tham gia với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tạo điều kiện cho CNVCLĐ đi học các lớp cao học, đại học, cao cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học …vv.

Phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” được phát động ngay từ những tháng đầu năm, gắn với phong trào xây dựng Cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hoá. Nhiều đơn vị đã tổ chức trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường, xanh, sạch, đẹp… Trong các phân xưởng nhà máy trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, áp dụng vào bình xét thi đua cuối năm.

Phong trào “Phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn” được LĐLĐ các huyện, thị xã phát động thi đua tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp như: khuyến nông, thuỷ lợi, cung ứng những giống cây trồng vật nuôi mới, vận động CNVCLĐ tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân

Phong trào “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được phát động sâu rộng trong nữ CNVCLĐ. Hầu hết các cấp công đoàn đã tổ chức tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2006 - 2010 trong nữ CNVCLĐ. Hội nghị cấp tỉnh sẽ được tổ chức vào ngày 25/6/2010.

Chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến  tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đến nay đã có nhiều đơn vị đăng ký công trình sản phẩm chào mừng Đại hội Đảng các cấp như: CĐ Cty Gang thép Thái Nguyên liên kết với CĐ Cty CP Cơ điện luyện kim thi đua sửa chữa Lò cao số II - Nhà Máy Luyện gang; Công đoàn Công ty CP Cơ điện Luyện kim công trình: Lắp đặt dây chuyền sản xuất tấm lợp số 3; CĐ Cty TNHH 1 TV Kim loại màu với công trình mở rộng nâng công suất Nhà máy Kẽm điện phân và một số công trình khác đăng ký thực hiện tại CĐCS…

4. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Tiếp tục chỉ đạo chương trình phát triển đoàn viên thành lập công đoàn cơ sở giai đoạn 2008 - 2013, các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên thành lập Công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, đặc biệt là CĐCS thuộc các DN ngoài quốc doanh.  Trong 6 tháng đầu năm đã thành lập mới 19 CĐCS và phát triển được 917 đoàn viên công đoàn

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ đã thành lập Ban Chính sách pháp luật trên cơ sở hợp nhất Ban chính sách - kinh tế xã hội và Ban bảo hộ lao động. Hướng dẫn, kiện toàn, bầu bổ sung các chức danh chủ chốt của của LĐLĐ huyện Định Hoá, và CĐ Công ty CP Đầu tư & Sản xuất công nghiệp. Chỉ đạo Đại hội nhiệm kỳ Công đoàn Giáo dục huyện Phú Bình; Công đoàn Kho bạc tỉnh; Công đoàn ngành Xây dựng tỉnh Thái nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm đã có 407 tập thể và cá nhân được Tổng LĐLĐ VN, UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh tặng Cờ và Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, trong công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững  mạnh.

5. Công tác nữ công.

Các cấp công đoàn đã tổ chức 195 cuộc tuyên truyền học tập các Chỉ thị, Nghị quyết và một số văn bản liên quan đến chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ như: Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh dân số sửa đổi; LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội thảo “Nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và chăm sóc sơ sinh” cho 80 cán bộ làm công tác công đoàn trong tỉnh.

Nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và khởi nghĩa Hai Bà Trưng, các cấp công đoàn đã tổ chức thăm, tặng quà và  nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, toạ đàm ôn lại truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam gắn với tổ chức biểu dương phụ nữ tiêu biểu xuất sắc, tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Triển khai các hoạt động truyền thông về dân số, tháng hành động vì trẻ em và ngày gia đình Việt Nam. Các cấp công đoàn đã thăm, tặng quà một số trường học và các cháu học sinh giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng .

Trong 6 tháng đầu năm, các cấp công đoàn đã thực hiện 125 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với chị em phụ nữ như: ốm đau, thai sản, khám sức khoẻ định kỳ, nhà tắm nhà vệ sinh đầy đủ….

6. Công tác tài chính Công đoàn.

Các cấp công đoàn đã quản lý ngân sách công đoàn theo đúng quy định của nhà nước và của Tổng Liên đoàn. Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đoàn phí công  đoàn theo đúng quy định hiện hành. Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ước đạt 45,9% kế hoạch năm; tổng chi đạt 40% kế hoạch năm. Công tác quản lý, chi tiêu, sử dụng kinh phí đã có sự chặt chẽ, tiến bộ hơn. Sử dụng kinh phí có mục đích, hiệu quả, tập trung cho hoạt động cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế như: Có mục chi chưa đúng chế độ quy định, việc thu kinh phí công đoàn 2% đối với các doanh nghiệp thuộc Công đoàn ngành còn đạt tỷ lệ thấp.Việc quyết toán tài chính công đoàn ở các đơn vị đã khắc phục được tình trạng báo cáo chậm hoặc không báo cáo, nhưng các thông tin phản ánh trên báo cáo quyết toán chưa đầy đủ theo biểu mẫu

III. ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT CHUNG

* Ưu điểm: Trong 6 tháng đầu năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung chương trình công tác đề ra. Hoạt động Công đoàn đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Các cấp Công đoàn đã thực hiện tốt chức năng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ như: Tôn vinh DNSX- DN và CNVCLĐ tiêu biểu; kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật lao động gắn với các hoạt động nhân tuần lễ quốc gia về an toàn VSLĐ-PCCN năm 2010; phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị CBCC, Đại hội CNVC và Hội nghị người lao động trong các cơ quan đơn vị, DN; Chủ động tuyên truyền các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị Nghị quyết của các cấp Công đoàn đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền chào mừng các ngày lễ lớn và Đại hội Đảng các cấp gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao và công tác xã hội từ thiện trong CNVCLĐ; Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua đó góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2010.

* Nhược điểm:

Công tác tuyên truyền giáo dục trong CNVCLĐ đã được quan tâm song còn chưa  đa  dạng về hình thức. Phương pháp hoạt động CĐ ở một số nơi còn chậm đổi mới. Một số cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong tình hình hiện nay, chưa sáng tạo trong công việc.

Việc nắm bắt tình hình tư tưởng của người lao động còn hạn chế. Công tác tham gia quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật liên quan đến người lao động có nhiều nơi còn thực hiện chưa sâu; Việc tổ chức Đại hội CNVC, Hội nghị CBCC, Hội nghị người lao động… ở một số đơn vị còn chậm và  hình thức.

Chưa có nhiều đơn vị đăng ký công trình sản phẩm chào mừng Đại hội Đảng các cấp . Công tác phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác thông tin hai chiều còn thiếu thường xuyên đặc biệt là việc gửi báo cáo của các cấp công đoàn chậm so với thời gian quy định và thiếu số liệu minh hoạ.

 

PHẦN THỨ HAI

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU 6 THÁNG CUỐI NĂM 2010

1. Tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đảng bộ tỉnh TN lần thứ XVIII gắn với đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các công trình sản phẩm chào mừng đại hội đảng các cấp.

2. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo để chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị của tỉnh, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2010

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ cũng như người sử dụng lao động. Phối hợp với sở LĐTBXH và các ngành chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Bộ Luật lao động, Luật công đoàn tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

4. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn các cấp: Kỹ năng thương lượng; Công tác tư vấn pháp luật; Công tác tài chính; Công tác bảo hộ lao động; Kỹ năng và phương pháp hoạt động của Công đoàn cơ sở.

5. Tổng kết 5 năm phong trào xây dựng Đời sống văn hoá và Chương trình phòng, chống ma túy, phòng chống TNXH và phòng, chống HIV/AIDS trong CNVCLĐ tỉnh TN, giai đoạn 2006 – 2010.

6. Tổng kết 5 năm thực hiện NQ 5a về “ Đẩy mạnh công tác pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, NQ 5b về “ Đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới” và NQ 4c về “ Công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới” của  Hội nghị Ban Chấp hành TLĐLĐ VN (khoá IX)

7. Chỉ đạo Công đoàn ngành giáo dục, LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã, CĐ khối các trường Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và dạy nghề....phối hợp với chuyên môn chuẩn bị các điều kiện cho triển khai năm học mới 2010-2011. Chỉ đạo tổ chức Hội nghị cán bộ công chức ngay từ đầu năm học.

8. Tập trung chỉ đạo việc thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên CĐ trong các thành phần kinh tế, phấn đấu trong năm 2010 thành lập mới được từ 20 đến 30 CĐCS và phát triển ít nhất 3000 đoàn viên công đoàn

9. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Công đoàn, công tác tài chính Công đoàn các cấp. Đôn đốc công tác thu kinh phí và đoàn phí công đoàn bảo đảm theo đúng chỉ tiêu kế hoạch.

10. Chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức Đại hội CĐCS nhiệm kỳ theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

11. Tổ chức Hội nghị Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh Khóa XIV, kỳ họp thứ 7. Tổng kết phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn năm 2010 và triển khai thực hiện công tác công đoàn năm 2011.

 

 

Nguồn: congdoanthainguyen.org.vn
Tác giả: