“Trăm năm đệ nhất danh trà”: Hành trình viết tiếp giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế từ cây chè Thái Nguyên
2025-04-29 14:05:00.0
Đồi chè Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ là một trong những đồi chè đẹp nhất tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Mạnh Thắng)
Cây chè - Biểu tượng văn hóa
Nói đến Thái Nguyên, người ta nghĩ ngay đến trà. Trà Thái Nguyên được mệnh danh "Đệ nhất danh trà" không chỉ bởi hương vị đặc biệt - chát dịu, ngọt hậu, mà bởi cây chè và nghề làm chè đã gắn bó với bao thế hệ, đi vào tiềm thức, trở thành một phần bản sắc của mảnh đất này. Những vùng chè trù phú như Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài, Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ), Tức Tranh (huyện Phú Lương)… không chỉ là những mảng đồi xanh bát úp đặc thù vùng trung du mà còn là nơi lưu giữ kỹ thuật canh tác cổ truyền, là không gian văn hóa, là cội nguồn của những câu chuyện sống động về con người và sự đổi thay.
Cây chè, trong dòng chảy lịch sử và hiện đại, đã vượt ra ngoài ý nghĩa của một sản phẩm nông nghiệp. Nó là sinh kế, là nền tảng kinh tế của hàng chục nghìn hộ dân. Nhưng sâu xa hơn, đó là "kênh đối thoại văn hóa" - nơi truyền tải lối sống, đạo lý, sự tinh tế của người Việt. Trong chén trà, người ta thấy được bàn tay người thợ, hơi thở của đất trời và cả một triết lý sống mộc mạc mà sâu sắc.
Đồng chí Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tổng Biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức phát biểu tại Họp báo công bố Cuộc thi viết "Trăm năm đệ nhất danh trà" ngày 21/2/2025
Khẳng định giá trị, khơi nguồn cảm hứng từ một Cuộc thi viết
Cuộc thi viết “Trăm năm đệ nhất danh trà” do UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức không chỉ đơn thuần là một sân chơi cho những cây viết mà đây còn là lời mời gọi nhằm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của cây chè Thái Nguyên trong bối cảnh hội nhập và phát triển; tôn vinh những con người, tập thể đã và đang cống hiến cho ngành chè, từ những người trồng chè âm thầm trên sườn đồi cho đến những doanh nghiệp nỗ lực đưa chè Thái Nguyên ra thế giới; đồng thời khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu, cảm nhận từ cộng đồng, nhất là từ những cây bút trẻ, những người yêu trà, để cùng lan tỏa câu chuyện “danh trà” bằng ngôn ngữ của trái tim, tri thức và nghệ thuật viết.
Không chỉ dành cho các nhà báo, nhà văn, Cuộc thi còn mở rộng cánh cửa với tất cả công dân Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài mang trong tim sự mến yêu với trà Thái Nguyên. Cuộc thi đều là nơi lắng đọng, lắng nghe và tôn vinh chính kiến và tiếng nói của mỗi cây bút.
Các phóng viên tác nghiệp tại đồi chè VietGap xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. (Ảnh: Trần Nhung)
Lan tỏa cảm hứng từ thực tế
Điều đặc biệt của Cuộc thi nằm ở yêu cầu “không hư cấu, không sử dụng trí tuệ nhân tạo” - điều đó khiến mỗi tác phẩm không chỉ là sản phẩm của tư duy sáng tạo, mà còn là kết tinh từ trải nghiệm thực tế, sự chân thành và công phu nghiên cứu. Từ đó, Cuộc thi không chỉ khơi gợi cảm hứng viết, mà còn kết nối người viết với vùng đất, con người, câu chuyện thật của chè Thái Nguyên.
Hành trình sáng tác không còn là cuộc độc thoại trong phòng kín, mà là hành trình đi - nghe - gặp - cảm - kể. Những tác phẩm ra đời sẽ là kho tư liệu sống động, vừa mang giá trị nghệ thuật vừa có tính tư liệu quý giá để quảng bá trà Thái Nguyên ra cộng đồng trong nước và quốc tế.
Không gian Văn hóa trà Tân Cương - Nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa trà của Thái Nguyên. (Ảnh: Phương Thảo)
Sức hấp dẫn từ những phần thưởng cho sáng tạo
Bên cạnh giá trị tinh thần, Cuộc thi còn ghi dấu bằng hệ thống giải thưởng hấp dẫn, xứng đáng với công sức và tâm huyết của người tham gia:
- Giải Nhất: Trị giá 15 lần mức lương cơ sở (tương đương hơn 30 triệu đồng) kèm quà tặng sản phẩm trà Thái Nguyên.
- Giải Nhì: Mỗi giải 10 lần mức lương cơ sở.
- Giải Ba: Mỗi giải 05 lần mức lương cơ sở.
- Giải Khuyến khích: Mỗi giải 03 lần mức lương cơ sở.
Điều đặc biệt, tùy theo chất lượng tác phẩm, Ban Tổ chức có thể xem xét tăng hoặc giảm số lượng giải, đảm bảo trao giải đúng theo chất lượng thực tế, không rập khuôn theo số lượng cứng nhắc. Đây là cách để tôn vinh, khích lệ sáng tạo và thực sự là điều rất cần trong các cuộc thi hiện nay.
Đóng gói chè tại Hợp tác xã trà Cao Sơn, TP. Sông Công. (Ảnh: Linh Lan)
Hành trình viết - Hành trình sống đang mời gọi
Cuộc thi không chỉ là một sân chơi nhất thời, mà còn là một hành trình trải nghiệm giàu giá trị. Trong quý II năm 2025, các tác giả đăng ký sẽ có cơ hội tham gia các chuyến đi thực tế đến vùng chè, được giao lưu với người dân, thăm quan quy trình sản xuất, cảm nhận văn hóa trà trong đời sống thường nhật. Đây chính là chất liệu sống - yếu tố quyết định để làm nên những bài viết giàu cảm xúc, chân thực, khác biệt.
Viết về trà Thái Nguyên, vì thế, không còn là việc viết “về một loại sản phẩm”, mà là viết về con người, văn hóa, lịch sử, bản sắc vùng miền và cả những kỳ vọng trong thời đại mới - nơi thương hiệu “danh trà” không chỉ có ý nghĩa quốc nội mà còn vươn tầm quốc tế. Trong hành trình phát triển bền vững, một thương hiệu mạnh không thể tách rời bản sắc văn hóa. Với Thái Nguyên - nơi cây chè là “linh hồn” của đất - việc khơi gợi tình yêu, niềm tự hào về trà là cách nuôi dưỡng những căn cốt văn hóa, thúc đẩy kinh tế và quảng bá du lịch. Cuộc thi viết “Trăm năm đệ nhất danh trà” là lời mời chân thành đến tất cả những ai yêu văn hóa Việt, yêu nghề viết, yêu sự chân thực - cùng nhau viết tiếp hành trình trăm năm của cây chè Thái Nguyên bằng ngôn ngữ của trái tim và trách nhiệm.
Nếu bạn có một câu chuyện, một ký ức, một cảm xúc hay một góc nhìn về chè - đừng giữ lại cho riêng mình. Hãy viết ra. Hãy tham gia. Hãy để câu chuyện ấy góp phần tạo nên bức tranh lớn về một di sản đang sống, đang chuyển mình - chè Thái Nguyên.
|
thainguyen.gov.vn